LIÊN KẾT WEBSITE

TỈ GIÁ NGOẠI TỆ

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Tháo gỡ những “điểm nghẽn” để phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số

28/04/2022 08:31 A+| A-| In bài viết

Ngày 26/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Trước những bất cập, tồn tại trong triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số, trong chuyển đổi số quốc gia; đồng thời nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” để tiếp tục phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức phổ biến, quán triệt tới toàn bộ các tổ chức, cá nhân liên quan về việc tăng cường quản lý đầu tư bảo đảm hiệu quả, an toàn thông tin, an ninh mạng trong ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia.

Đồng thời, thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa cấp bộ, cấp tỉnh từ ngày 01/6/2022, cấp huyện từ ngày 01/12/2022, cấp xã từ ngày 01/6/2023. Riêng 25 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/1/2022 thực hiện số hóa từ ngày 01/7/2022. Tập trung thực hiện có hiệu quả kế hoạch số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp, bố trí kinh phí sự nghiệp từ NSNN hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan, địa phương và khả năng cân đối của ngân sách theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn liên quan để triển khai Chỉ thị.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện và giải ngân các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, gửi Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp để định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và kiến nghị, đề xuất định hướng lớn về phân bổ kinh phí trong năm tiếp theo. Thời hạn hoàn thành trong tháng 8 hàng năm.

Chủ trì tổng hợp kế hoạch đầu tư công hàng năm trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan, địa phương theo các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn liên quan để triển khai Chỉ thị.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông định kỳ tháng 12 hàng năm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ danh sách nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm tiếp theo để phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số, cải thiện xếp hạng quốc gia, triển khai hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và các chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan khác.

 

Điều phối, giải quyết kịp thời các vướng mắc liên quan đến kết nối, chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Có giải pháp khuyến khích, thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ chữ ký số từ xa để thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Thời gian hoàn thành trong tháng 6/2022.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát tình hình sử dụng NSNN cho Chính phủ số, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và kiến nghị, đề xuất định hướng lớn về phân bổ kinh phí trong năm tiếp theo. Thời hạn hoàn thành vào tháng 12 hàng năm.

Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng ứng dụng hiệu quả công nghệ số, cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 và Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021.

Bên cạnh đó, tích hợp dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm đến tháng 12/2022 tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của các bộ, ngành, địa phương. Ưu tiên tích hợp các dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 và Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022.

Cung cấp, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương với Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm thường xuyên, liên tục, an toàn, bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật; xây dựng, phát triển hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo thời gian thực, có các công cụ phân tích dữ liệu, dự báo hỗ trợ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số. Thời gian hoàn thành: nhiệm vụ hàng năm.

Ban Cơ yếu Chính phủ đảm bảo cung cấp đầy đủ và kịp thời chứng thư số chuyên dùng Chính phủ cho các cơ quan bộ, ngành, địa phương; hướng dẫn, hỗ trợ sử dụng ký số dữ liệu số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa.

Đến tháng 6/2022 đảm bảo cấp 100% chứng thư số cho Bộ phận Một cửa cấp bộ, tỉnh; tháng 12 năm 2022 đảm bảo cấp 100% chứng thư số cho Bộ phận Một cửa cấp huyện; tháng 6/2023 đảm bảo cấp 100% chứng thư số cho Bộ phận Một cửa cấp xã. Trong đó, đến ngày 01/7/2022, cấp đủ 100% chứng thư số cho cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp liên quan đến số hóa 25 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/1/2022.

Nguồn: tapchitaichinh.vn